Những bài được quan tâm nhất
Liên kết website

SƠ LƯỢC LỊCH SỬ NGÀNH ĐIỀU DƯỠNG VIỆT NAM

2022-10-26 08:43:47 - ( 1332 views )

1. Thời kỳ trước năm 1945 Từ thời xa xưa, bên cạnh việc tiếp thu những kinh nghiệm dân gian trong việc chăm sóc, chữa bệnh, nhiều đền thờ, miếu đã được xây dựng để mong trời, thần thánh phù hộ, cứu giúp khi có người bị bệnh, qua đời. Lịch sử y học dân tộc ghi nhận hai danh y nổi tiếng thời xa xưa là Tuệ Tĩnh (thế kỷ XIV) với tác phẩm “Nam dược thần hiệu” và “Hồng nghĩa giác tự y thời”. Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác (1720 – 1791) đã mở trường đào tạo, trị bệnh cứu người. Các phương pháp dưỡng sinh đã được áp dụng trong việc chăm sóc, điều trị người bệnh. Thời Pháp thuộc, thực dân Pháp không coi trọng người bản xứ, xây nhiều bệnh viện nhưng chỉ ban hành chế độ học việc, cầm tay chỉ việc để có những người thạo kỹ thuật, vững tay nghề, chỉ được phụ việc cho bác sĩ và được gọi là y tá. Người Pháp mở lớp nam y tá đầu tiên năm 1901, mở trường đào tạo y tá bản xứ năm 1923, năm 1937 mở lớp nữ y tá. Đến năm 1945, cả Đông Dương chỉ có một trường đào tạo y khoa, một trường đào tạo y sĩ, một trường đào tạo hộ sinh cao cấp, một số trường đào tạo y tá, dược tá. Sau 80 năm thống trị, thực dân Pháp đã xây nhà tù nhiều hơn bệnh viện. Cả nước có 85 nhà tù, chỉ có 47 bệnh viện mà người dân lao động coi đây là nhà thương làm phúc, “là nơi chữa bệnh bố thí”, y tá là người giúp việc cho bác sĩ, lương thấp, không được tôn trọng. Trong các cơ sở y tế, y tá thường bị người bệnh hạch sách, đòi hỏi. 2. Thời kỳ năm 1945 – 1975 Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra trang sử mới cho lịch sử dân tộc ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng cách mạng mà quân y làm nòng cốt đã có những thành tích xuất sắc trong việc khắc phục khó khăn thiếu thốn, cứu chữa thương bệnh binh. Từ việc bảo vệ sức khỏe do chính các chiến sĩ tự lo liệu với phương châm “Giữ gìn vệ sinh, phòng ngừa hơn chữa bệnh”; khi có người bị bệnh thì dựa vào kinh nghiệm của đồng bào địa phương tìm các lá, rễ cây để chữa. Từ vốn liếng duy nhất (trong những năm 1944 – 1945) là một hộp đựng bơm tiêm với 2 bơm tiêm (một bơm tiêm 5ml, một bơm tiêm 2ml) và 5 kim tiêm của Pháp sản xuất từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất; lực lượng điều dưỡng cách mạng phát triển rất nhanh và được đào tạo để phù hợp với tình hình nhiệm vụ. - Từ tháng 9/1945, Ban Y tế Vệ Quốc đoàn Hà Nội bắt đầu đào tạo cứu thương, mỗi khoá học khoảng 30 – 45 ngày. Khoá đầu có 150 học sinh, cuối khoá giữ lại 30 học sinh để đào tạo thêm 2 tháng nữa thành y tá. Các khoá 2 – 3 cũng tiếp tục như vậy. - Ngày 19/10/1945, thành lập “Hội cứu thương”, nhiều chị em đã được huấn luyện công tác cứu thương và sau này trở thành cán bộ quân y. Tháng 11/1945, thành lập Trường Huấn luyện Y tá đầu tiên Vệ Quốc đoàn Hà Nội, có khoảng 10 học sinh. Bác sĩ Đỗ Đạo Tiềm được giao làm giám đốc. Đến tháng 11/1946, Trường Y tá Vệ quốc đoàn Hà Nội (sau đổi thành Trường Y tá Vệ quốc đoàn Quân y cục) đã huấn luyện được 4 khoá. Ngày 12/7/1946 tại giảng đường Trường Đại học Y khoa Hà Nội, lớp y tá Vệ quốc đoàn khoá 3 đã bế giảng. Trong buổi bế giảng này, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đến dự, động viên và giao nhiệm vụ. - Ngày 28/8/1948, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh mở hai trường quân y sĩ. Một trường ở Liên khu III và IV dành cho dân y, một trường ở Liên khu I và X dành cho quân y. Ngày 10/3/1949, Trường Quân y sĩ khai giảng khoá đầu tiên tại thôn Tuấn Lũng, huyện Tam Dưỡng, tỉnh Vĩnh Yên (nay là Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Trong thời gian theo học, học viên Trường Y tá Liên khu I được Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “Y tá chẳng những là một nghề nghiệp mà lại là một nghĩa vụ… Việc giữ gìn và bồi dưỡng sức khỏe của dân tộc, người y tá phải gánh một phần quan trọng. Vì vậy, y tá là những chiến sĩ đánh giặc ốm để bảo vệ sự kháng kiện của giống nòi”. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiều y tá đã anh dũng hoàn thành nhiệm vụ, được khen thưởng huân chương chiến công. Y tá Lương Văn Vọng trong trận Him Lam đã anh dũng ra vào cửa mở nhiều lần, có mặt ở tất cả những nơi ác liệt, bị thương lần thứ nhất nhưng anh vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ. Lần thứ hai bị thương vào bụng, anh không chịu băng vết thương cho mình, muốn dành những cuộn băng cuối cùng cho thương binh. Hết băng anh đã đánh vào hầm địch để tìm bông băng. Anh đã dùng tiểu liên và thủ pháo tiêu diệt một ổ súng máy của địch, bảo vệ được thương binh. Hai lần bị thương, anh vẫn không chịu rời trận địa, sát cánh cùng bộ đội chiến đấu băng bó cho hàng chục thương binh. Y tá Năm mặc dù đã có lệnh rút ra vẫn xung phong vào đồn cõng được 6 thương binh ra ngoài. Trong tổng kết khen thưởng sau 9 năm chống Pháp (07/5/1956), đồng chí y tá Hà Nguyên Thị được Quốc hội và Chính phủ tuyên dương Anh hùng Quân đội. Từ năm 1954, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam bị đế quốc Mỹ chiếm đóng. - Ở miền Bắc: + Năm 1954, Bộ Y tế xây dựng chương trình đào tạo y tế sơ cấp hoàn chỉnh để bổ túc cho y tá học cấp tốc trong kháng chiến. + Năm 1968, Bộ Y tế xây dựng chương chình đào tạo y tá trung cấp. + Ngay từ những năm đầu khi hòa bình được lập lại, Chính phủ, Bộ Y tế đã quan tâm phát triển điều dưỡng bằng cách cử cán bộ đi tập huấn ở Liên Xô, Trung Quốc, Cộng hòa dân chủ Đức, Ba Lan…; mời các đoàn chuyên gia có các điều dưỡng, điều dưỡng trưởng khoa của Trung Quốc, Bungari đến giảng dạy, hướng dẫn về điều dưỡng. - Ở miền Nam: Hệ thống tổ chức y tế hình thành theo mô hình của Hoa Kỳ. Danh từ y tá được đổi thành điều dưỡng. + Năm 1956, thành lập trường điều dưỡng đào tạo 3 năm. + Năm 1968, mở thêm ngạch đào tạo điều dưỡng sơ học. + Năm 1973, mở lớp điều dưỡng công cộng 3 năm. + Thực hiện lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đoàn kết chặt chẽ, nêu cao tinh thần tập thể, thi đua học tập và công tác để tiến bộ không ngừng về chính trị, tư tưởng và chuyên môn kỹ thuật”, điều dưỡng đã góp phần quan trọng trong công tác đảm bảo sức khỏe của nhân dân và lực lượng vũ trang, làm nhiệm vụ quốc tế; góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 3. Từ năm 1975 đến nay Công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Công tác chăm sóc, điều trị người bệnh được Bộ Y tế chỉ đạo thống nhất cả hai miền. - Năm 1985, trường Đại học Y khoa Hà Nội, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã mở khoá đào tạo đại học điều dưỡng đầu tiên. - Hội Điều dưỡng Việt Nam được thành lập ngày 26/10/1990. - Năm 1993, ra quyết định về chế độ, trách nhiệm của y tá trong việc chăm sóc người bệnh tại bệnh viện. Chuyển đổi mô hình đào tạo y tá trung học thành cao đẳng điều dưỡng tại Trường Cao đẳng Y tế Nam Định. - Năm 1995, mở hệ đào tạo cử nhân điều dưỡng chính quy tại Đại học Y Hà Nội và Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. - Năm 1998, mở hệ đào tạo cao đẳng điều dưỡng chính quy tại Trường Cao đẳng Y tế Nam Định. Năm 2004, trường được nâng cấp lên Đại học Điều dưỡng. - Hiện nay, nhiều trường như Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y Hà Nội, Đại học Điều dưỡng Nam Định… đã tổ chức đào tạo sau đại học. Điều dưỡng Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nhận được sự giúp đỡ của nhiều tổ chức điều dưỡng trên thế giới như Thụy Điển, Nhật Bản và điều dưỡng khu vực. Việt Nam đang trên đường tiếp cận và hòa nhập với điều dưỡng khu vực và thế giới, đã có những đóng góp quan trọng trong các diễn đàn điều dưỡng quốc tế, có đại diện tham gia là thành viên làm Hội đồng Tư vấn Điều dưỡng – Hộ sinh toàn cầu tham gia chủ trì các hội nghị điều dưỡng của khu vực ASEAN.