Những bài được quan tâm nhất
Liên kết website

Nhược thị có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm

2020-03-20 14:39:16 - ( 919 views )

Bệnh Nhược thị là gì ? 
Nhược thị là tình trạng giảm thị lực ở 1 mắt hoặc 2 mắt dưới 7/10 hoặc có sự khác biệt thị lực giữa hai mắt trên hai dòng dù đã được điều chỉnh kính tối ưu.
Thị lực của một đứa trẻ phát triển trong những năm đầu tiên của cuộc đời. Điều quan trọng là chẩn đoán và điều trị nhược thị càng sớm càng tốt. Nếu không, một đứa trẻ bị nhược thị thì sẽ không phát triển thị lực khỏe mạnh bình thường.
Nguyên nhân dẫn đến nhược thị: – Lác mắt là nguyên nhân hàng đầu gây nhược thị, đặc biệt là lác thường xuyên ở một bên. Lúc này não chỉ nhận tín hiệu do mắt lành đem lại, mắt kia sẽ bị phế bỏ và ngày càng trở nên vô dụng. – Khúc xạ một hoặc hai mắt có vấn đề, thường không đồng đều giữa hai bên hay còn gọi là bất đồng khúc xạ. Bệnh nhân đã không đi khám, không tuân thủ theo đơn kính và chế độ tập luyện. – Đường đi của ánh sáng tới võng mạc bị cản trở do: sẹo giác mạc, đục thể thủy tinh bẩm sinh, sụp mi, làm cho mắt không thể tiếp nhận tốt hình ảnh để truyền lên não xử lý. Hầu hết nguyên nhân trên đây có thể khắc phục được nều được chẩn đoán sớm nhất là trước 6 tuổi. Điều trị không đúng hoặc không kịp thời mắt sẽ nhược thị quá nặng và “vô phương cứu chữa” Biểu hiện nhược thị: Một số triệu chứng trẻ nhược thị có thể biểu hiện: – Lác mắt – Hay nheo mắt – Nghiêng đầu vẹo cổ khi nhìn – Than mỏi mắt Tuy nhiên, khi bị nhược thị, nhiều trẻ không có dấu hiệu gì đặc biệt dẫn đến việc rất khó phát hiện. Vì trẻ đã thích nghi qua thời gian dài nên trẻ ít khi phàn nàn vì thị lực kém, thường bệnh nhược thị chỉ được phát hiện khi sàng lọc. Để phát hiện sớm nhược thị, nên cho trẻ đi khám mắt ở các thời điểm quan trọng như: trước tuổi mầm non, trước khi vào mẫu giáo và trước khi vào lớp một và tái khám hàng năm. Một cách nữa để phát hiện nhược thị là bịt từng mắt xem có mắt nào bị mờ hơn so với mắt bên kia. Mắt mờ hơn chính là mắt có nguy cơ nhược thị. Điều trị nhược thị: Bệnh nhược thị thường được điều trị bằng cách khuyến khích trẻ sử dụng mắt yếu hơn. Điều này có thể được thực hiện bằng cách đặt một miếng che trên mắt tốt hơn của đứa trẻ. Một cách khác là làm cho thị lực của mắt tốt hơn bị mờ đi bằng sử dụng một loại thuốc nhỏ chuyên dụng. Hoặc trẻ có thể đeo kính với tròng kính có tác dụng làm mờ đi hình ảnh trong mắt đó.
Có thể mất vài tuần đến vài tháng để thị lực trở nên tốt hơn trên mắt yếu hơn. Một khi trẻ đã có thị lực tốt hơn ở mắt đó, trẻ cần che mắt một khoảng thời gian trong ngày trong một vài năm. Điều này giúp cho giữ thị lực của trẻ tốt hơn. Trong một số trường hợp, bác sĩ nhãn khoa sẽ đề nghị phẫu thuật để khắc phục các vấn đề về mắt gây ra nhược thị. Sau khi phẫu thuật, đứa trẻ có thể cần phải đeo miếng che hoặc che bên mắt tốt hơn cho đến khi mắt của trẻ được cải thiện. Có thể ngăn ngừa mất thị lực do nhược thị. Nhưng điều trị chỉ có hiệu quả nếu trẻ chỉ sử dụng mắt yếu hơn để nhìn. Trẻ em không thích đeo miếng che mắt hoặc làm mắt mờ đi. Tuy nhiên, bạn cần giúp con mình làm những gì tốt nhất cho chúng.